Viêm Bao Hoạt Dịch

  • Các nguyên nhân hay gặp của viêm bao hoạt dịch là chấn thương và vận động quá mức, nhưng cũng có thể gặp nguyên nhân do tinh thể hoặc nhiễm trùng.
  • Hút dịch bao hoạt dịch làm xét nghiệm để chẩn đoán nguyên nhân nhiễm khuẩn hoặc do tinh thể khi viêm bao hoạt dịch mỏm khuỷu hoặc bao hoạt dịch trước xương bánh chè, hoặc khi bao hoạt dịch có dấu hiệu nóng, đỏ, đau.
  • Nếu không có nhiễm trùng, hầu hết các trường hợp được điều trị bằng nghỉ ngơi, NSAIDs liều cao, và đôi khi được điều trị bằng tiêm corticosteroid.

Tổng quan

Bao hoạt dịch hay còn gọi là túi hoạt dịch, là một miếng đệm nhỏ nằm ở phía trong bao khớp, chứa đựng hàng loạt các chất nhầy gọi là hoạt dịch có tác dụng bôi trơn hệ thống xương khớp và nuôi dưỡng các sụn khớp của cơ thể.

Ngoài ra hoạt dịch trong bao khớp còn có chức năng là chống nhiễm khuẩn. Do đó khi các khớp lớn của cơ thể bị viêm nhiễm sẽ làm cho các chất hoạt dịch trong bao hoạt dịch đột ngột tăng lên dẫn tới bao hoạt dịch sẽ bị viêm nhiễm.

Viêm bao hoạt dịch có thể gặp ở khớp vai (viêm bao hoạt dịch dưới mỏm cùng vai hoặc dưới cơ Delta), đặc biệt ở bệnh nhân có viêm gân chóp xoay. Các bao hoạt dịch khác thường bị ảnh hưởng bao gồm bao hoạt dịch mỏm khuỷu (khuỷu tay của người thợ mỏ), trước xương bánh chè, sau xương gót, cơ thắt lưng chậu, ụ ngồi (ụ ngồi của người thợ dệt), mấu chuyển lớn xương đùi, cơ chân ngỗng, và khớp bàn ngón I chân (vẹo ngón chân cái). Đôi khi, viêm bao hoạt dịch sẽ gây viêm ở khớp lân cận.

Nguyên nhân

Viêm bao hoạt dịch có thể là do những nguyên nhân sau gây nên:

  • Chấn thương
  • Vận động quá mức kéo dài
  • Bệnh lý khớp viêm (ví dụ, bệnh gút, viêm khớp dạng thấp, viêm khớp vẩy nến, viêm cột sống)
  • Nhiễm trùng cấp tính hoặc mạn tính (ví dụ, vi khuẩn sinh mủ, đặc biệt là tụ cầu vàng Staphylococcus aureus)


Nguyên nhân tự phát và chấn thương là phổ biến nhất. Viêm bao hoạt dịch cấp và mạn tính có thể xảy ra sau vận động sai thư thế, căng giãn khớp bất thường và gây dịch trong bao hoạt dịch. Viêm bao hoạt dịch do nhiễm khuẩn hay gặp nhất ở bao hoạt dịch mỏm khuỷu và trước xương bánh chè.

Viêm bao hoạt dịch mạn tính thường xuất hiện ở bệnh nhân trước đó đã có viêm hoặc chấn thương lặp lại ở cùng một vị trí. Thành túi dày lên kèm theo tăng sinh khớp màng hoạt dịch; dính, hình thành các sợi lông và lăng đọng đọng các tổ chức vôi.

Triệu chứng lâm sàng

Viêm bao hoạt dịch cấp gây ra triệu chứng đau, đặc biệt là khi bị chèn ép hoặc căng giãn trong lúc vận động. Sưng, đôi khi kèm theo các dấu hiệu viêm thường gặp ở bao hoạt dịch vùng nống (ví dụ bao hoạt dịch mỏm khuỷu, trước xương bánh chè). Ở bao hoạt dịch mỏm khuỷu triệu chứng sưng tấy nổi bật hơn triệu chứng đau. Viêm bao hoạt dịch do tinh thể hay do nhiễm khuẩn thường kèm theo ban đỏ, phù, đau và nóng ở phần mềm xung quanh.

Viêm bao hoạt dịch mạn tính có thể kéo dài trong vài tháng và có thể tái phát thường xuyên. Một đợt cấp có thể kéo dài vài ngày đến vài tuần. Nếu viêm kéo dài ở gần khớp có thể gây nên hạn chế vận động. Hạn chế vận động kéo dài có thể dẫn đến teo cơ.

Chẩn đoán

  • Đánh giá lâm sàng
  • Siêu âm hoặc MRI đánh giá mức độ sâu của túi.
  • Hút dịch kén hoạt dịch để tìm nguyên nhân nhiễm khuẩn, chảy máy (do chấn thương hoặc do dùng thuốc chống đông), tinh thể.

Nghi ngờ viêm bao hoạt dịch ở nông khi có triệu chứng sưng, viêm ở vị trí bao hoạt dịch. Nghi ngờ viêm bao hoạt dịch ở sâu khi bệnh nhân có biểu hiện đau tăng lên khi vận động mà chưa tìm đươc nguyên nhân ở vị trí tương ướng với bao hoạt dịch. Thông thường, viêm bao hoạt dịch được chẩn đoán bằng các triệu chứng lâm sàng. Siêu âm học hoặc chụp MRI có thể giúp chẩn đoán xác định các bao hoạt dịch sâu khi không xác định được bằng các bước thăm khám như sờ, quan sát hoặc bằng hút dịch. Các thăm dò này giúp chẩn đoán xác định hoặc loại trừ các nguyên nhân khác. Đồng thời các thăm dò hình ảnh giúp xác định chính xác hơn tổn thương của các cấu trúc liên quan.

Viêm bao hoạt dịch khớp gối
Viêm bao hoạt dịch khớp khuỷu
Viêm bao hoạt dịch bánh chè

Nếu bao hoạt dịch bị sưng, đặc biệt kèm theo các dấu hiệu đau, đỏ hoặc nóng hoặc trong trường hợp bao hoạt dịch mỏm khuỷu hay phía trước xương bánh chè bị viêm, nhiễm khuẩn và do tinh thể gây ra nên làm xét nghiệm dịch để chẩn đoán bệnh. Sau khi gây tê tại chỗ, tiến hành hút dịch ở bao hoạt dịch, thủ thuật được thực hiện vô khuẩn; làm các xét nghiệm dịch khớp bao gồm đếm tế bào dịch khớp, nhuộm Gram, cấy tìm vi khuẩn và soi kính hiển vi tìm tinh thể. Nhuộm Gram dù hữu ích nhưng không đặc hiệu, và số lượng bạch cầu trong bao hoạt dịch nhiễm khuẩn thường thấp hơn trong khớp dịch khớp nhiễm khuẩn. Tinh thể urat dễ nhìn thấy được bằng kính hiển vi ánh sáng phân cực, nhưng những tinh thể apatite điển hình của viêm gân canxi hóa thường có hình khối ngắn bóng và không có tính lưỡng chiết. Nên chụp phim X-quang trong trường hợp viêm bao hoạt dịch kéo dài hoặc nghi ngờ do lắng đọng tinh thể canxi.

Viêm bao hoạt dịch cấp tính cần được phân biệt với chảy máu, đặc biệt ở bệnh nhân dùng warfarin. Chảy máu bao hoạt dịch có thể gây các triệu chứng tương tự như viêm cấp vì trong máu có các thành phần gây viêm. Dịch trong bao hoạt dịch viêm sau chấn thương thường là huyết thanh. Viêm mô tế bào có thể gây ra dấu hiệu viêm nhưng không gây ra viêm bao hoạt dịch; viêm mô tế bào ở trên bao hoạt dịch là chống chỉ định tương đối của các thủ thuật chọc kim vào bao hoạt dịch, nhưng nếu nghi nghờ viêm bao hoạt dịch do nhiễm khuẩn, phải hút dịch và làm xét nghiệm.

Điều trị

  • Nghỉ ngơi
  • NSAIDs liều cao
  • Điều trị nguyên nhân do tinh thể hoặc nhiễm trùng.
  • Thỉnh thoảng một mũi tiêm corticosteroid

Đối với bệnh do tinh thể, xem điều trị bệnh gút. Đối với nhiễm trùng, sử dụng kháng sinh kháng S. aureus theo kinh nghiệm nên được lựa ưu tiên (xem điều trị nhiễm khuẩn tụ cầu ). Sau đó lựa chọn kháng theo kết quả của nhuộm Gram và nuôi cấy. Viêm bao hoạt dịch do nhiễm khuẩn phải được dẫn lưu dịch và cắt lọc kết hợp với điều trị kháng sinh.

Viêm bao hoạt dịch cấp tính không do nguyên nhân nhiễm khuẩn được điều trị bằng nghỉ ngơi hoặc bất động tạm thời kết hớp với NSAIDs liều cao và đôi khi có thể thêm các thuốc giảm đau khác. Tăng vận động chủ động ngay khi giảm đau. Các bài tập đung đưa tốt cho khớp vai.

Nếu uống thuốc và nghỉ ngơi không giúp giảm viêm, nên hút dịch và tiêm corticosteroid vào bao hoạt dịch với liều từ 0,5 đên 1ml (như triamcinolone acetonide 40 mg / mL). Có thể tiêm khoảng 1 mL thuốc gây tê tại chỗ (ví dụ, 2% lidocaine) trước khi tiêm corticosteroid. Sau khi gây tê, giữ nguyên kim, thay xilanh khác để hút dịch. Liều và thể tích của corticosteroid có thể khác nhau tùy theo kích thước của bao hoạt dịch. Đôi khi có thể có đợt viêm cấp khởi phát sau vài giờ tiêm corticosteroid do phản ứng với bào chế dạng tinh thể của thuốc. Phản ứng này thường kéo dài ≤ 24 giờ và đáp ứng với chường lạnh kết hợp với thuốc giảm đau. Corticoid đường uống (ví dụ prednisone) có thể được sử dụng trong trường hợp không thích hợp tiêm tại chỗ.

Điều trị viêm bao hoạt dịch mạn tính giống với viêm bao hoạt dịch cấp tính, tuy nhiên nghỉ ngơi hay dùng nẹp không có hiệu quản với viêm mạn tính, và việc tập vận động để duy trì tầm vận động của khớp là rất quan trong. Hiếm khi cần phải cắt bỏ bao hoạt dịch.

Tham khảo

  • MSD Manuals. (2020, February). Bursitis. Retrieved August 24, 2021, from https://www.msdmanuals.com/professional/musculoskeletal-and-connective-tissue-disorders/bursa-muscle-and-tendon-disorders/bursitis
  • Mayo Clinic. (2020, July 31). Bursitis – Symptoms and causes. Retrieved August 24, 2021, from https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/bursitis/symptoms-causes/syc-20353242

Luân Trần

Bác sĩ khoa Chi trên - Bệnh viện Quân Y 175.

Dark mode powered by Night Eye